Thay đổi phân loại Chirita

Chi này chủ yếu được phân chia thành 3 tổ (sectio) là Chirita sect. Chirita, Chirita sect. Gibbosaccus và Chirita sect. Microchirita. Năm 2004, Hilliard phục hồi Chirita sect. Liebigia từ danh pháp đồng nghĩa của Chirita sect. Chirita để tạo ra tổ thứ tư.

Phân tích phát sinh chủng loài của Weber et al. (2011)[1] cho thấy Chirita là đa ngành, trong đó Chirita sect. Microchirita và Chirita sect. Liebigia là các nhánh đơn ngành, trong khi đó Chirita sect. Gibbosaccus – tổ lớn nhất về số lượng loài - cùng với Primulina tabacum, Chiritopsis spp. và Wentsaiboea spp. lập thành một nhánh đơn ngành, còn Chirita sect. Chirita (cùng một vài chi/loài khác) thì tạo ra hai nhánh không có quan hệ họ hàng gần, với nhánh 1 gồm khoảng 6 loài là một nhánh đơn ngành (nay được coi là chi Damrongia) và nhánh 2 thì cùng chi đơn loài Hemiboeopsis W.T.Wang, 1984 (loài điển hình/duy nhất: Hemiboeopsis longisepala (H.W.Li) W.T.Wang, 1984) hợp cùng các loài trong tổ Henckelia sect. Henckelia ở miền nam Ấn Độ và Sri Lanka tạo thành một nhánh đơn ngành.

Như thế, Chirita sect. Microchirita và Chirita sect. Liebigia tương ứng được nâng cấp thành các chi Microchirita (~ 18 loài) và Liebigia (~ 12 loài).

Đối với nhánh chứa Chirita sect. Gibbosaccus (loài điển hình của tổ này là Chirita sinensis Lindl., 1844, không phải loài điển hình của chi Chirita): Do danh pháp Primulina Hance, 1883 (loài duy nhất trước khi được mở rộng: Primulina tabacum Hance, 1883) có độ ưu tiên cao hơn các danh pháp Chiritopsis W.T.Wang, 1981 (loài điển hình: Chiritopsis repanda W.T.Wang, 1981) và Wentsaiboea D.Fang & D.H.Qin, 2004 (loài điển hình: Wentsaiboea renifolia D.Fang & D.H.Qin, 2004) nên Primulina được công nhận là danh pháp cho chi mở rộng ra rất nhiều này. Khi mới nâng cấp nó chứa khoảng 115-120 loài, nhưng số lượng loài được bổ sung cho chi này trong thời gian gần đây là khá nhiều, nên theo một vài đánh giá thì hiện nay nó chứa khoảng 150 loài.

Đối với nhánh chứa Chirita sect. Chirita ở Thái Lan và Malaysia bán đảo: Damrongia là tên gọi được Kerr tạo ra nhưng được Craib công bô năm 1918 để chứa một loài duy nhất là Damrongia purpureolineata, nhưng năm 1972 Wood đã chuyển nó sang chi Chirita mà không đưa ra lý do nào cho việc giảm cấp này. Vì thế, nó là danh pháp chính thức cho chi chứa 6 loài này khi được tách ra theo kết quả phân tích phát sinh chủng loài. Các loài tới năm 2015 được công nhận cho chi Damrongia là: Damrongia cyanea (đồng nghĩa: Didymocarpus cyaneus, Chirita cyanea), Damrongia fulva (đồng nghĩa: Chirita fulva), Damrongia integra (đồng nghĩa: Chirita integra), Damrongia lacunosa (đồng nghĩa: Didymocarpus lacunosus, Chirita lacunosa), Damrongia purpureolineata (đồng nghĩa: Chirita purpureolineata) và Damrongia trisepala (đồng nghĩa: Chirita trisepala). Năm 2016 Puglisi et al. bổ sung thêm Damrongia burmanica (đồng nghĩa: Streptocarpus burmanicus), Damrongia clarkeana (đồng nghĩa: Boea clarkeana), Damrongia orientalis (đồng nghĩa: Streptocarpus orientalis) và Damrongia sumatrana (đồng nghĩa: Streptocarpus sumatranus). Tổng cộng hiện tại chi này chứa 10 loài.[3]

Đối với nhánh chứa Chirita sect. Chirita + Hemiboeopsis + Henckelia sect. Henckelia: Henckelia theo định nghĩa khi đó cũng là đa ngành.[1] Tuy nhiên, như đề cập trên đây thì do độ ưu tiên thời gian thiết lập tên gọi (cho chi và/hoặc loài điển hình nếu có khi sáp nhập, chia tách) theo quy tắc của ICN nên hiện nay cả Chirita lẫn Hemiboeopsis đều chỉ được coi là đồng nghĩa của Henckelia. Sự chia tách và sáp nhập của Henckelia nghĩa cũ xem bài chi tiết cho chi này.